banner
Chủ nhật, ngày 17 tháng 11 năm 2024
Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác khắc phục do bão số 9 gây ra và các biện pháp ứng phó thiên tai trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh
4-11-2020

(ngochoi.kontum.gov.vn): Chiều 02 /11 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố đánh giá công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, công tác khắc phục do bão số 9 gây ra và các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai trong thời gian tới. Đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu huyện, đồng chí Nguyễn Chí Tường – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện dự và chủ trì.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu huyện

Bão số 9 và mưa lũ lớn đã gây ra thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 386 tỷ 265 triệu đồng. Cụ thể, đã làm hư hỏng 2.093 căn nhà; sập đổ, hư hỏng, tốc mái 17 điểm trường bị; 03 trạm y tế bị ảnh hưởng; 01 công trình văn hóa bị hư hỏng; 17 công trình thủy lợi bị hư hỏng; trên 6.200ha cây trồng bị ảnh hưởng; làm mất điện tại 21 xã thuộc huyện Kon Plông, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Glei, Đăk Tô,  Ia H’Drai, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum và làm hư hỏng 09 trụ điện bị ngã đổ. Hiện nay, Điện lực Kon Tum đã và đang khẩn trương xử lý khắc phục khôi phục cấp điện cho khách hàng đảm bảo an toàn trong thời gian sớm nhất.  

Thiệt hại nặng nề nhất là về giao thông: Các tuyến đường QL 24, QL14C, QL40, QL40B, Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, Đường tỉnh lộ 675, Đường tỉnh lộ 677, Đường Sa Thầy -Yaly - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - Làng Rẽ (Mô Rai) và các tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Kon Rẫy.... bị sụt ta luy dương, ta luy âm hàng chục vị trí với khối lượng khoảng 325.021m3, 42 cái cầu, 15 cái cống, ngầm, rãnh thoát nước bị hư hỏng, sạt lở, một số cây lớn ngã đổ chắn ngang đường hơn 239 điểm bị sạt lở gây ách tác giao thông... Ước thiệt hại khoảng 239 tỷ 495 triệu đồng.

Tại huyện Ngọc Hồi, bão số 9 đã làm tốc mái 16 ngôi nhà, ngập nước 06 nhà; sạt lở và hư hỏng 06 đường giao thông đi khu sản xuất; trôi và hư hỏng 06 cầu treo; một số điểm trường mầm non bị tốc mái. Thiệt hại về lúa và hoa màu các loại là 364,28 ha; nuôi trông thủy sản bị thiệt hại trên 70%; trôi 01 thuyền gần thủy điện Plei Kần…ước thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương các cấp, đến nay bước đầu các công trình cơ sở hạ tầng từng bước đã được khắc phục đáp ứng giao thông đi lại, phục vụ cho sản xuất, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, siêu bão Goni giảm cường độ, trong tuần sẽ hướng vào Đà Nẵng - Phú Yên. Do đó, để vừa khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra vừa qua, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 10 và hoàn lưu sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện các biện pháp trọng tâm.

Đó là, tập trung sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế để đảm bảo chỗ học hành an toàn cho học sinh, phòng chống dịch bệnh thường xảy ra sau bão lũ; tập trung mọi nguồn lực để sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống cho Nhân dân do bão số 9 gây ra trong thời gian qua.

Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và  có nguy cơ xảy ra sạt lở; tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; nhất là các tình huống bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất...

Luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời. Các cơ quan thông tin, truyền thông của địa phương tăng cường thông tin về mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và các biện pháp phòng tránh đến người dân đặc biệt là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn các cấp; từng bước đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ, cơ sở dữ liệu; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ PCTT các cấp. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh.

Khẩn trương kiểm ra, rà soát, đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn theo quy trình vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian mưa bão diễn ra, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không rời khỏi địa phương nếu không có lý do chính đáng để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống ứng phó thiên tai và khắc khục hậu quả do thiên tai gây ra, đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hằng giờ, hằng ngày để theo dõi, chỉ đạo./.

Thy Thảo
Số lượt xem:1018
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 993 Số người online:
Phát triển:TNC