(ngochoi.kontum.gov.vn): Do ảnh hưởng của bão số 4 (bão Noru), từ chiều ngày 26/9, trên toàn địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to. Từ ngày 27 - 29/9, bão có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến Kon Tum, gây mưa to đến rất to, gió mạnh, nhất là ở các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum.
Đồng chí Nguyễn Chí Tường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình phòng, chống bão số 4 trên địa bàn xã Pờ Y
Trên các sông ở Kon Tum khả năng xuất hiện 1 đợt lũ lớn, mực nước lớn nhất đạt mức báo động cấp 2, 3 và trên báo động cấp 3, lưu lượng nước về các hồ chứa có thể đạt mức tần suất lũ từ 10 - 3%. Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc.
Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi các khu dân cư ven suối, sông Pô Kô, các Hồ đập thủy điện, thủy lợi, hồ nước sạch, khu vực trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là rất cao…
Để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, ứng phó với bão số 4, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra, huyện Ngọc Hồi đã khẩn trương tiến hành các phương án ứng phó với tinh thần “đi trước một bước” so với diễn biến của bão.
Theo đó, ngoài thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp về chủ động ứng phó với cơn bão số 4, UBND huyện Ngọc Hồi ban hành các văn bản khẩn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương rà soát, nắm chắc số lượng nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Lực lượng dân quân xã Đắk Xú hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa ứng phó với bão
Tổ cấp ủy phụ trách cũng trực tiếp xuống kiểm tra, nắm tình hình, phối hợp với địa phương chủ động các biện pháp thông tin cảnh báo, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại qua các cầu treo dân sinh, ngầm, tràn, các tuyến đường sông, các tuyến đường bộ dễ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết…khi xảy ra mưa lũ để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Huyện cũng yêu cầu chủ đầu tư các công trình, nhất là các công trình thủy lợi, thủy điện, đường sá, khai thác khoáng sản…thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thiên tai, nhất là việc chấp hành quy trình xả lũ, bảo đảm an toàn cho người dân lao động và người dân khu vực vùng dự án và vùng hạ du.
Đồng thời chỉ đạo chính quyền các địa phương tiếp tục hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,...đảm bảo an toàn cho nhân dân. Cương quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lỡ đất, lũ ống, lũ quét, ngập để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân; vận động người dân đang đi làm nương rẫy ở xa nhanh chóng trở về nhà trước khi bão đổ bộ; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để kịp thời ứng phó với mưa lũ. Rà soát các điểm xung yếu, các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập nước để cắm biển cảnh báo và phân công lực lượng trực 24/24 giờ nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả (nếu có) do ảnh hưởng của thiên tai gây ra.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|