banner
Thứ 7, ngày 28 tháng 12 năm 2024
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”
16-9-2020

(ngochoi.kontum.gov.vn): Sáng 15/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu huyện, đồng chí Y Lan – Phó Chủ tịch Thường trực UBND dự và chủ trì.

Hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27.410 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề. Trong đó, 12.941 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề giai đoạn 2010-2015, đạt 59,77% ; 14.469 lao động giai đoạn 2016-2020, đạt 87,69%  so với mục tiêu của Đề án. Tổng kinh phí thực hiện Đề án trên 212 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 207,34 tỷ đồng còn lại là ngân sách của địa phương đối ứng.

Số lao động có việc làm sau đào tạo nghề là 22.036 người, trong đó nghề nông nghiệp 18.131 người, nghề phi nông nghiệp 3.905 người. 1.509 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động, còn lại phần đa lao động nông thôn tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên. 2.394 hộ có người tham gia đào tạo nghề đã thoát nghèo, 2.432 hộ có người tham gia đào tạo nghề trở thành hộ có thu nhập khá.

Giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đề ra mục tiêu chung là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh đào tạo trình độ sơ cấp cho thanh niên nông thôn, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu từ năm 2020 - 2025, toàn tỉnh đào tạo được 16.500 lao động, bình quân đào tạo 3.300 lao động/năm, phấn đấu tăng tỷ lệ đào tạo nghề trình độ sơ cấp lên 20% so với tổng số người đào tạo; giai đoạn 2026-2030, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo 16.500 lao động, tăng tỷ lệ đào tạo nghề trình độ sơ cấp lên 30% so với tổng số người đào tạo.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các đơn vị, địa phương đã đạt được trong thời gian qua; đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã tham gia ý kiến thảo luận, đề xuất giải pháp tại Hội nghị.

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong năm 2021 và những năm tiếp theo, đồng chí yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan thường trực) tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan phổ biến chính sách, pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho các địa phương; hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai Quy trình tổ chức triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình, dự án, chính sách có liên quan nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động sau đào tạo.

Chủ trì, phối hợp với  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát, khảo sát toàn diện nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn quản lý;  xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững; trên cơ sở nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và  thị trường lao động trong và ngoài nước; đồng thời, tăng cường công tác tư vấn cho lao động nông thôn chọn nghề học phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương nhằm giải quyết việc làm sau đào tạo.

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan kiểm tra đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bảo đảm kiến thức được cập nhật, bổ sung thường xuyên phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp liên kết tổ chức hiệu quả các khóa đào tạo kỹ năng dạy học cho người có tay nghề cao, nghệ nhân; nâng cao số lượng, chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Yêu cầu các sở, ngành khác và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tốt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, chú trọng việc chủ động phối hợp với các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để gắn đào tạo với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo mô hình liên kết 3 bên (Doanh nghiệp - Cơ sở đào tạo - người học nghề) và gắn  kết  chặt  chẽ 3 “Nhà” (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường) trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Dịp này, có nhiều tập thể và cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã  có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh 10 năm qua (2010 - 2020)./.

Thy Thảo
Số lượt xem:718
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 7512 Số người online:
Phát triển:TNC