(ngochoi.kontum.gov.vn): Ngày 22 tháng 11 năm 1967 chiến dịch Đăk Tô 1 kết thúc hoàn toàn. Sau 20 ngày đêm chiến đấu liên tục ta đã đánh 78 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.670 tên địch (có 2.690 tên Mỹ). Nếu tính cả giai đoạn hoạt động nghi binh chiến dịch và các hướng phối hợp, có 4570 tên địch (có 4.030 tên Mỹ) bị loại khỏi vòng chiến đấu; 3 sân bay đã bị đánh hư nặng, 70 máy bay phá hủy và bắn rơi; 18 khẩu pháo lớn, 52 xe quân sự (có 16 xe bọc thép), 2 kho đạn phá hủy, 3 kho xăng bị đốt cháy, 104 súng các loại, 14 máy vô tuyến điện bị tịch thu. Về đơn vị ta đã đánh quỵ lữ đoàn dù 173; lử đoàn 1 (Sư đoàn 4 Mỹ); tiêu diệt gần hết 2 tiểu đoàn Mỹ và thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn (có 4 tiểu đoàn Mỹ), diệt 6 đại đội khác (có 2 đại đội Mỹ), làm mất sức chiến đấu 1 tiểu đoàn của Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ và chiến đoàn 3 ngụy.
Trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh dành cho Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi
Chiến dịch Đăk Tô 1 năm 1967 tiêu hao sinh lực lính Mỹ nhiều hơn bất kỳ trận đánh nào trong cuộc chiến trước đó, được coi là một chiến thắng lớn vì đã tiêu hao nặng những đơn vị thiện chiến nhất của Mỹ và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Trong trận đánh, do bị đánh trả quyết liệt, quân đội Mỹ đã phải huy động một lượng hỏa lực cực lớn. Pháo binh Mỹ đã bắn yểm trợ 151.900 viên đạn pháo (nhiều hơn lượng đạn pháo mà quân Pháp sử dụng trong trận Điện Biên Phủ). Không quân Mỹ huy động 2.101 phi vụ trực thăng chiến đấu hoặc vận tải, 2.096 phi vụ ném bom, 257 phi vụ B-52 ném bom rải thảm, ném tổng cộng hơn 10.000 tấn bom. Trung bình mỗi bộ đội Việt Nam phải hứng chịu 25 viên đạn pháo và 1,6 tấn bom do Mỹ ném xuống.
Riêng trận then chốt quyết định Đăk Tô I, ở khu vực điểm cao 875, từ ngày 18 đến ngày 22/11 ta đã đánh tiêu diệt một tiểu đoàn, một đại đội mỹ, thu 18 súng R15 và 8 máy vô tuyến điện. Kết thúc chiến dịch Đăk Tô I năm 1967 của Trung đoàn 174 đã diệt gọn Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn dù 173 của địch, kết thúc chiến dịch Đăk Tô đại thắng. Chiến thắng của Trung đoàn 174 ở Điểm cao 875, là một bước phát triển tương đối hoàn chỉnh hình thức dùng điểm chốt khống chế, thu hút địch, tạo điều kiện cho lực lượng cơ động xuất kích từ bên sườn và phía sau bao vây tiêu diệt. Trận đánh của Trung đoàn 174 ở điểm cao 875 đã làm cho địch choáng váng, khiếp sợ cách đánh mới của ta và trước tinh thần anh dũng của cán bộ, chiến sỹ ta, thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra của chiến dịch.
Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận xét: “Chiến thắng của Trung đoàn 174 ở điểm cao 875 là một bước phát triển tương đối hoàn chỉnh hình thức chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt. Lực lượng ở điểm chốt đã tạo điều kiện cho các lực lượng cơ động đánh vào bên sườn, phía sau tiêu diệt địch”. Đánh dấu bước trưởng thành của Trung đoàn 174, trong trận đầu tiên đơn vị tham gia đánh quân Mỹ trên chiến trường Miền Nam đã đánh quỵ Lữ đoàn dù 173, lực lượng sừng sỏ của quân đội Mỹ, có truyền thống từ Đại chiến thế giới lần thứ II; đơn vị này phải bỏ dở cuộc càn ở Phú Yên để lên Tây Nguyên cứu nguy cho Sư đoàn bộ binh 4 Mỹ, nhưng đã bị đánh quỵ hoàn toàn.
Cùng với chiến thắng ở Lộc Ninh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, chiến thắng Đắc Tô 1 góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của hai miền; đẩy đế quốc Mỹ lún sâu thêm vào thế lúng túng về chiến lược, chiến thuật; đẩy chiến lược "Tìm diệt" của Mỹ tới thất bại.
Chiến thắng Đăk Tô mùa đông năm 1967 thể hiện ta hoàn toàn đủ khả năng đánh thắng Mỹ - Ngụy. Bên cạnh đó còn khẳng định vai trò không thể thiếu của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Qua thử thách ở chiến dịch Đắk Tô, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương của Tây Nguyên đã trưởng thành rõ rệt về đánh tập trung, hiệp đồng lớn, nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng chiến dịch; hiệp đồng giữa các lực lượng, các hướng trong chiến dịch và các hướng trên toàn chiến trường.
Chiến dịch Đăk Tô I là chiến dịch đánh quân mỹ có hiệu suất cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Qua chiến dịch này bộ đội Tây Nguyên đã sáng tạo và hoàn thiện chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt”, để bộ đội ta có thể đánh liên tục dài ngày dưới phi pháo ác liệt của địch giành thắng lợi mở ra khả năng đánh tiêu diệt những đơn vị quan Mỹ, ngụy từ cấp tiểu đoàn trở lên trên chiến trường và sáng tạo những nét phát triển mới về Nghệ thuật chiến dịch. Xã luận báo Quân đội nhân dân, ngày 29/11/1967 ghi: “Chiến thắng Đăk Tô đã ghi thêm vào trang sử quyết thắng của dân tộc ta những nét vàng son chói lọi … là một trong những chiến thắng lớn nhất mở đầu Đông – Xuân quyết thắng 1967-1968 của miền Nam anh hùng”. Đây là một trong ba chiến dịch trên địa bàn Tây Nguyên trong chiến tranh chống Mỹ được tặng thưởng Huân chương quân công hạng nhất: Chiến dịch Plây Me 1965; Chiến dịch Đăk Tô 1967 và chiến dịch Đăk Siêng 1970. Hàng trăm đơn vị, chiến sỹ trở thành “Đơn vị anh dũng diệt Mỹ”, “Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú”, được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Với thành tích xuất sắc, Trung đoàn 174 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174 được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Quân và dân Tây Nguyên được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 2 và hạng 3.
Nhằm ghi nhớ công ơn các thế hệ Cha, Anh, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau; với những giá trị to lớn của Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử. Ngày 26/01/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử thuộc xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đây là niềm vinh dự lớn, là niềm tự hào về truyền thống cách mạng đối với nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|