Theo thông tin các hộ gia đình cho biết, từ dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đàn gia cầm bao gồm gà, ngan, vịt trên 50 ngày tuổi của các gia đình có dấu hiệu ốm chết, vì vậy các gia đình tự mua thuốc về điều trị nhưng tình trạng này vẫn xảy ra và có dấu hiệu tăng lên. Đến ngày 4/2, các hộ gia đình đã báo với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để có biện pháp quản lý theo dõi. Ông Phạm Văn Bản-Thôn Ngọc Tiền xã Đắk Xú, hộ gia đình có số lượng đàn gia cầm bị ảnh hưởng nhiều nhất với số lượng trên 2.700 con cho biết “Từ ngày 30 tết, đàn gia cầm của gia đình đã có dấu hiệu bị bệnh với các triệu chứng như ủ rũ, bỏ ăn uống, gia đình cũng đã mua thuốc về tự điều trị, cứu chữa cho đàn gia cầm. Sau khi thấy vấn đề cứu chữa không hiệu quả, gia đình đã báo với chính quyền địa phương và trạm thú y huyện. Đồng thời, đã nhốt tất cả đàn gia cầm lại để chờ chỉ đạo và cũng đã tiến hành tiêu hủy những con đã chết để tránh ô nhiễm và phát tán mầm bệnh ra xung quanh”.
Ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Đắk Xú cho biết “Ngay sau khi nhận được tin báo có gia cầm ốm chết tại các hộ gia đình, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, phối hợp với các đoàn thể xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiến hành việc phun thuốc khử trùng tiêu độc, để khống chế dịch bệnh lây lan. Đồng thời, lãnh đạo xã đã trực tiếp xuống các hộ dân có gia cầm bị bệnh để làm việc và nghiêm cấm việc di chuyển đàn gia cầm hoặc mua bán đàn gia cầm ra khỏi vùng dịch”.
Đến ngày 9/2, trước tình trạng đàn gia cầm chết tăng lên đến hàng trăm con, Trạm thú y huyện đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi cơ quan thú y vùng V, kết quả các mẫu đều dương tính với virut cúm A H5N1. Để đảm bảo công tác dập dịch đạt hiệu quả, ông Đoàn Thanh Nhã, Trạm Trưởng Trạm thú y huyện cho biết “Ngay sau khi có kết quả, Trạm đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm nhiễm bệnh, trong thời gian chờ kết quả Trạm đã giám sát ổ dịch và tiến hành tiêu hủy tất cả các gia cầm đã chết. Hiện nay, trước nguy cơ cúm gia cầm tăng rất cao, Trạm đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, các hộ chăn nuôi tích cực phòng chống dịch, khi phát hiện gia cầm ốm chết thì báo cáo ngay cho cơ quan thú y, đồng thời chuẩn bị tiến hành tiêm khẩn cấp văccxin cúm gia cầm trong đợt I năm 2014.
Đến chiều ngày 11/2, đã có trên 3.800 con gia cầm các loại của 3 hộ gia đình đã được tiêu hủy theo đúng quy định. Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo Trạm thú y phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch, như phun thuốc tiêu độc, khử trùng, khoanh vùng dập dịch và lập chốt kiểm dịch không cho vận chuyển gia cầm ra khỏi địa bàn xã, giám sát việc phòng chống dịch tại nơi xuất hiện ổ dịch cũng như vùng giáp ranh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt 5 không đó là : Không nuôi thả rông gia cầm; Không mua, bán gia cầm bị bệnh; Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; Không giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi để tránh phát sinh, lây lan ổ dịch.
Dịch cúm H5N1 trên gia cầm là bệnh do virus gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy khi nghi ngờ đàn gia cầm có biểu hiện mắc cúm H5N1, người chăn nuôi cần thông báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để nhận được các hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh theo quy định của Nhà nước, tránh để dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại trong chăn nuôi của người dân.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|