banner
Thứ 4, ngày 16 tháng 4 năm 2025
Tọa đàm khoa học: Về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người Brâu
15-4-2025

Vừa qua, Viện Dân tộc học và Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi cùng phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và chính sách bảo tồn, phát huy gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hồi".

Quang cảnh buổi tọa đàm

Chương trình Tọa đàm thuộc Dự án Lưu giữ văn hóa lịch sử (2024-2026) của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF): “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của hai dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và Rơ-măm gắn với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Tám là chủ nhiệm dự án, Viện Dân tộc học chủ trì.

Tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của hơn 30 đại biểu là đại diện lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hồi, đại diện UBND xã Pờ Y, đại diện người Brâu ở thôn Đắk Mế và các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực Dân tộc học/Nhân học, văn hóa học, bảo tàng học, văn học,…

Brâu là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, một trong 5 tộc người có dân số dưới 1.000 người ở Việt Nam. Người Brâu hiện đang cư trú tập trung ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi và có những thành tố văn hóa dân gian phong phú, đặc biệt là hệ thống tín ngưỡng, phong tục tập quán,... là dân tộc thiểu số rất ít người nên người Brâu được thụ hưởng nhiều chính sách đặc thù như xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa của Đảng và Nhà nước, từ đó đời sống của người dân đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đặc biệt năm 2024, thôn Đắk Mế đã đạt tiêu chí thôn nông thôn mới.

Hiện nay, người Brâu sinh sống cùng với người Ca Dong (nhóm của dân tộc Xơ-đăng) và người Mường, Kinh, Thái di cư từ miền Bắc vào, cộng thêm sự tác động của kinh tế thị trường nên văn hóa truyền thống của người Brâu đã có nhiều biến đổi, có sự đan xen giữa cái mới và cái cũ.

Bên cạnh đó, ở người Brâu đã xuất hiện xu hướng phục hồi văn hóa truyền thống ở một bộ phận nghệ nhân, già làng và người trẻ tuổi, tuy nhiên nội lực vật chất còn thiếu nên chưa đủ sức lan tỏa mạnh ra cộng đồng.

Với chủ đề "Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và chính sách bảo tồn, phát huy gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hồi", Ban tổ chức đã xây dựng chương trình tọa đàm gồm 01 phiên làm việc, với 03 tham luận được trình bày:

+ 01 báo cáo của Phòng Dân tộc và Tôn giáo: “Một số kết quả đạt được và hạn chế từ việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở người Brâu”.

+ 01 báo cáo của Phòng Văn hóa, Thông tin và Khoa học: “Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Brâu trên địa bàn huyện từ năm 2020 đến nay”.

+ 01 báo cáo của đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Pờ Y: “Những kết quả đạt được từ một số hoạt động hỗ trợ, giao lưu văn hóa của đồn biên phòng với bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi”.

Xuyên suốt phiên làm việc, tọa đàm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu, là diễn đàn thảo luận và trao đổi bổ ích cho các báo cáo viên, các nhà khoa học và các nhà quản lý. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại tọa đàm tập trung vào nhận diện những giá trị văn hóa của dân tộc Brâu trong truyền thống và biến đổi hiện nay, đánh giá kết quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở tộc người này, từ đó gợi mở một số giải pháp tiếp theo.

Các đại biểu dự Tọa đàm chụp hình lưu niệm

Phát biểu bế mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Tám - Chủ trì tọa đàm đã gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Viện Dân tộc học, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup, Lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hồi và các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các phòng ban huyện Ngọc Hồi, UBND xã Pờ Y, thôn Đắk Mế đã ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành cùng Đoàn công tác trong suốt quá trình tổ chức tọa đàm. TS. Nguyễn Thị Tám mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học về chủ đề tọa đàm để có thể đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống phù hợp, có ý nghĩa với cộng đồng, địa phương.

Hà Đại
Số lượt xem:42
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 3362 Số người online:
Phát triển:TNC