Với mục tiêu đó, ngày 31/3/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 420/QĐ-TTg về điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe-nhìn toàn quốc năm 2010.
Xác định cuộc điều tra là nhiệm vụ chính trị quan trọng tâm của ngành trong năm 2010, tỉnh Kon Tum đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ phụ vụ công tác điều tra: Thành lập Ban chỉ đạo điều tra và Tổ chuyên viên giúp việc BCĐ điều tra cấp tỉnh; Tổ chức tập huấn cho Phòng Văn hoá và Thông tin cấp huyện, thành phố; tổ chức tập huấn cho các điều tra viên và tổ trưởng điều tra cấp xã và cấp thôn; Tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về mục đích ý nghĩa và nhiệm vụ của cuộc điều tra… để người dân nắm bắt và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân viên điều tra. Ngày 01/6/2010, cuộc điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe-nhìn được đồng loạt triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với hơn 800 điều tra viên và tổ trưởng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Chỉ sau 2 tuần triển khai đồng loạt đã có 4/9 huyện trên địa bàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ và làm thủ tục bàn giao phiếu điều tra về Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum - cơ quan Thường trực BCĐ điều tra cấp tỉnh đã tiến hành rà soát, tổng hợp, nhập số liệu kết quả điều tra và phúc tra và bàn giao dữ liệu toàn bộ cho BCĐ Trung ương tiến hành xử lý và tổng hợp kết quả chung của cả nước. Đến tháng 3/2011 Bộ TT&TT đã có bảng tổng hợp, phân tích số liệu gửi các tỉnh để các tỉnh xây dựng báo cáo tổng kết cuộc điều tra tại địa phương và làm cơ sở dự liệu để công bố kết quả điêu tra trên toàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Kon Tum có 831/831 thôn (tổ dân phố), 97/97 xã (phường, thị trấn), 69 điểm BĐVH xã, 130 trường tiểu học, 93 trường THCS, 20 trường PTTH trên địa bàn 9/9 huyện/thành phố và 27 cơ quan đảng, chuyên môn, tổ chức chính trị, xã hội và 08 doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng trên địa bàn tỉnh được tiến hành điều tra.
Kết quả điều tra được chia thành 04 lĩnh vực như sau:
Về hạ tầng viễn thông: Trong những năm qua các doanh nghiệp viễn thông đóng chân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới, nhằm nâng cao chất lượng cũng như phạm vi phục vụ. Điều đó thể hiện qua một vài số liệu thống kê của cuộc điều tra: 95% số xã có cáp Quang đến trung tâm xã; 92,8% tổng số xã đã có phủ sóng điện thoại di động; 91,8% số xã có điểm truy nhập viễn thông công cộng, trong đó số điểm truy nhập Internet công cộng đạt 42% tuy nhiên phần lớn các điểm này đều tập trung ở thành phố, thị trấn, phạm vi phục vụ chưa rộng.
Đối với hộ gia đình, trong tổng số 94.944 hộ gia đình được điều tra mới chỉ có 23.975 hộ có điện thoại cố định, đạt tỷ lệ phổ cập 25%. Trong đó, khu vực nông thôn mới chỉ đạt hơn 16%, đây chính là thị trường tiềm năng đối các đơn vị đang có kế hoạch phát triển hạ tầng và dịch vụ ở vùng nông thôn. Nhìn chung hạ tầng viễn thông của tỉnh Kon Tum có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên trong thời gian tới các đơn vị cần chú trọng đầu tư ở các xã đặc biệt khó khăn nhất nhất là các xã thuộc huyện 30A nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tiếp xúc với các tiến bộ khoa học của thế giới.
Về sử dụng máy tính và Internet: Hiện trạng sử dụng máy tính và Internet tại tỉnh Kon Tum hiện đang ở mức trung bình (đạt 57,7%), số lượng máy tính và số hộ có kết nối internet phân bố không đều giữa khu vực thành thị và nông thôn. Số hộ gia đình toàn tỉnh có kết nối mạng Internet là rất thấp mới chỉ có 5.234 hộ (đạt 5,5%). Trong đó: khu vực thành thị đạt 13,5%, khu vực nông thôn đạt 1,1%. Hiện trạng này đặt ra cho các nhà tư, đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nhằm tạo sự cân bằng trong giai đoạn tới.
Lĩnh vực phát thanh: Tỉnh Kon Tum hiện có 61 trạm truyền thanh cấp xã, phường đạt 62,9%; đáng chú ý hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 82,5% số xã thu được tín hiện của đài phát thanh địa phương. Toàn tỉnh mới chỉ có 2.421 hộ (đạt 2,5% số hộ toàn tỉnh) có máy thu thanh tại hộ gia đình (trong đó khu vực nông thôn đạt 1,9%). Tỷ lệ này cũng đã phản ánh sự tất yếu của ngành thông tin khi mà khoa học - công nghệ phát triển, các thiết bị tiên tiến, tích hợp nhiều tính năng ra đời sẽ dần thay thế thiết bị đơn giản như máy thu thanh.
Lĩnh vực truyền hình: 99% các xã thu được tín hiệu của Đài tuyền hình Việt Nam (VTV), 82% số hộ gia đình được điều tra có tivi. Hiện nay có nhiều phương thức thu tín hiệu truyền hình được các hộ gia đình sử dụng, đối với địa bàn tỉnh Kon Tum phổ biến là sử dụng anten chảo thu tín hiệu từ vệ tinh (61,4%), đặc biệt tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này đạt 78%, bên cạnh đó các dịch vụ truyền hình cáp, dịch vụ truyền hình giao thức Internet trên mạng viễn thông (IPTV) cũng đang dẫn chiếm vị trí người tiêu dùng hy vọng không lâu nữa các dịch vụ này có thể đủ lực để thay thế các hình thức thu tín hiệu truyền hình truyền thống.
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang gấp rút hoàn thành tài liệu hướng dẫn địa phương viết báo cáo tổng hợp và phân tích công bố kết quả; Phối hợp với Tổng cục Thống kê để phân tích nhận xét về cuộc điều tra, đánh giá tác động của việc công bố kết quả điều tra thống kê và dự báo xu hướng phát triển; trên cơ sở đó, thực hiện việc công bố các số liệu cơ bản về kết quả cuộc điều tra thống kê theo quy định. Trong thời gian tới, cùng với cả nước tỉnh Kon Tum sẽ công bố kết quả thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe - nhìn năm 2010, tài liệu này sẽ cung cấp toàn bộ những thông tin liên quan đến quá trình tiến hành cũng như kết quả của cuộc điều tra, đây là cơ sở dữ liệu tham khảo quan trọng giúp cho cho công tác quản lý, xây dựng chương trình, kế hoạch tại nhiều lĩnh vực ngành của tỉnh trong giai đoạn tới.