banner
Thứ 7, ngày 28 tháng 12 năm 2024
Dòng chảy âm nhạc truyền thống trong gia đình một nghệ nhân
20-6-2016

Cây đại thụ của làng Đăk Mế

90 tuổi, răng chiếc còn chiếc mất chông chênh nhưng đôi bàn tay của nghệ nhân Thao Chrêm vẫn điêu luyện lắm. Từng ngón tay khéo léo, nhẹ nhàng như bay nhảy trên cây đàn Boong Boong – một loại nhạc cụ đặc trưng của người Brâu làm phát ra thứ âm thanh trong trẻo, êm ái như tiếng suối reo giữa mênh mông đại ngàn. Thật khó để diễn tả được sự khoan thai khi Già Chrêm thả hồn vào cây đàn do chính tay mình làm. Ung dung, tự tại, thoải mái, đôi mắt nhắm nghiền, ông đánh với tất cả tâm hồn. “Khen Chrêm thì khen cả ngày, ở làng Đăk Mế, Thao Chrêm được xem là cây đại thụ văn hóa của người Brâu đấy. Gia đình của ông còn là gia đình tiêu biểu trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc” – ông Tống Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y cho biết thêm.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân nơi đây gọi ông là cây đại thụ văn hóa người Brâu. Ông là người cao tuổi hiếm hoi trong làng còn nắm, hiểu được những nét văn hoá, lễ hội cũng như chơi thành thạo các loại nhạc cụ đặc trưng của người Brâu. “Ở cái làng này, không ai đánh, chọc Chiêng Tha giỏi như Chrêm đâu. Mọi người phải tới đây học Chrêm cách đánh chiêng đấy”, nghệ nhân trẻ Nàng Giang, ở làng Đăk Mế khoe. Đặc biệt, mắt đã mờ, chân tay đã run nhưng ông Chrêm vẫn còn nhớ và chế tác thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc.

Ngậm điếu tẩu, phà ra từng đợt khói xám trắng, ông ung dung kể bằng tiếng Brâu về niềm đam mê âm nhạc dân tộc của mình. Ấy là những năm về trước, khi cái lưng chưa cong như con tôm, đôi mắt chưa mờ, ông tự lần mò vào rừng, kiếm lồ ô về chế tác Boong Boong, Goong Ding, Bờ hou, Ting ning… Chế tác xong, ông lại đánh rồi nghêu ngao hát những khúc dân ca truyền cảm. “Nay già rồi nên thi thoảng có ai đặt mình mới nhờ con cái, thanh niên trong làng đi kiếm lồ ô, tre nứa về làm. Có lồ ô, có tre là mình làm nhanh lắm, không khó khăn gì đâu. Vừa rồi mình cũng làm Boong Boong nhưng gửi cho Phòng Văn hóa huyện tham gia Liên hoan tại tỉnh rồi” – ông Chrêm nói.

Theo lời của ông, nếu có nguyên liệu, bằng những dụng cụ thô sơ như dao, rựa, ông chỉ mất nửa ngày để hoàn thành một cây đàn Boong Boong. Hay như cây đàn Goong Ding với 5 sợi dây, việc chỉnh âm khó khăn hơn nhưng ông cũng chỉ mất khoảng hơn 1 ngày là hoàn thành. “Đơn giản nhưng chẳng mấy ai chịu học và biết cách làm đâu” – Già Chrêm trầm ngâm. 

Đôi mắt Già Chrêm nheo lại, ông buồn đến lạ khi kể cho chúng tôi nghe về sự mai một trong văn hoá của người Brâu. Ông nói, vì cuộc sống ngày càng thay đổi, nhạc cụ điện tử ngày càng phổ biến nên người dân, nhất là lứa thanh niên trong làng không còn hứng thú, mặn mà với âm nhạc dân tộc. Sợ sự mai một khiến người Brâu như đánh mất đi những nét văn hoá đặc sắc của mình nên ngày ngày ông luôn cố gắng dạy cho các con cách chơi nhạc cụ dân tộc, hát những bài dân ca, múa những điệu xoang truyền thống. Nhờ vậy, dù loa thùng đã về tận làng, đầu đĩa, âm ly nhộn nhịp, dù ở làng Đăk Mế không còn nhiều người tha thiết thì những người con của Thao Chrêm vẫn mặn mà với âm nhạc của người Brâu.

Ông Thao Chrêm đánh nhạc cụ Boong boong

Nối tiếp truyền thống

Già Thao Chrêm có 7 người con thì 6 người con của ông đều biết chơi, đánh nhạc cụ bằng tre, bằng nứa do chính cha mình làm ra. Theo lời kể của những người hàng xóm, anh Thao Dua là con trai thứ của ông Chrêm đánh đàn Boong Boong nức tiếng trong làng. Đàn Boong Boong thường được người Brâu sử dụng khi đi rẫy, thể hiện niềm vui nhộn, tạo tinh thần thoải mái, hăng say trong lao động. Khi có lễ hội lớn, người Brâu hay trình diễn nhạc cụ này để giới thiệu đến mọi người nét đặc sắc của dân tộc mình. Và trong những lễ hội ấy, không thể vắng mặt Thao Dua.

Những người con khác như: Thao Lây, Thao Tram, Thao Mưu, Thao Chêm dù không đánh thạo Boong Boong nhưng lại đánh đàn Ting Ning hoặc Goong Ding rất tốt. Đặc biệt, con gái của ông - Nàng Nhột cũng là một trong những nghệ nhân trong làng với tài múa xoang, thổi Pờ Hou, đánh Đing Pú. Bên cạnh việc múa Xoang, Nàng Nhột còn tham gia truyền dạy Xoang cho nhiều thiếu nữ trong làng. Những lúc trong huyện, trong tỉnh có lễ hội lớn, Nàng Nhột còn được mời tham gia trình diễn. Chia sẻ với chúng tôi, Nàng Nhột nói với giọng phấn khởi: “Ngày trước mình học múa Xoang từ bà, từ mẹ, nay mình lại truyền dạy cho các con, các em. Với mình, văn hoá dân tộc đáng quý nên mình sẽ giữ gìn ”.

Không chỉ có con ruột, nghệ nhânThao La là con rễ của già Thao Chrêm cũng là một trong những gương mặt quen thuộc trong các lễ hội của tỉnh, thường xuyên được đi giao lưu văn hoá ở các tỉnh bạn. Mới đây, chúng tôi lại gặp anh Thao La trong Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hoá-Du lịch Kon Tum lần thứ 3 năm 2016. Vẫn điềm đạm như những lần trước, anh nói: “Cả vợ chồng mình đều có mặt trong ngày hội hôm nay, được thể hiện, được giới thiệu đến mọi người văn hoá của người Brâu, mình phấn khởi, vui mừng lắm”. Dù đánh Chiêng Tha, Chiêng Goong có tiếng trong làng, song anh Thao La cho biết, anh vẫn thường xuyên học hỏi thêm từ bố vợ để đánh chiêng hay hơn nữa. Đặc biệt, với sự hướng dẫn của bố vợ, anh còn biết đánh thêm đàn Ting Ning, Boong Boong.

Cha truyền con nối, ông truyền cháu nối, ông Thao Chrêm còn hướng dẫn các con truyền, dạy cho các cháu múa, hát dân ca. Với sự “truyền lửa” đầy nhiệt huyết ấy, văn hoá Brâu như “ngấm vào máu” của những người con, người cháu trong gia đình ông Thao Chrêm. Dù đã lấy chồng ở làng Iệc, song Nàng Banh, cháu nội của ông Chrêm vẫn thuộc, giữ cho mình lối hát dân ca của người Brâu, vẫn tập và múa những điệu Xoang truyền thống của dân tộc. Còn Thao Bôn là cháu ngoại của ông Chrêm cũng đang tập tành học đánh Chiêng Tha. Dù chưa đánh thành thạo như những người khác, nhưng Thao Bôn đã hiểu và “nắm” được “cái hồn” trong từng hồi Chiêng.

Trong làng có lễ hội, gia đình ông Thao Chrêm hầu như không ai vắng mặt. Rồi cha, rồi con, rồi cháu, cứ thế hoà vào những tiếng đàn, tiếng sáo Pờ Hou, múa những điệu Xoang uyển chuyển trước sự khen ngợi tấm tắc của mọi người. “Mình cũng đang tập dần dần cho các con, các cháu thôi. Hi vọng sẽ giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá của dân tộc Brâu mình” - Già Thao Chrêm bộc bạch.  

Mỹ Quyên
Số lượt xem:6043
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 5945 Số người online:
Phát triển:TNC