Do đó, khi hướng dẫn, chỉ đạo cho các khu dân cư tiến hành bầu thôn trưởng, UBND cấp xã và Uỷ ban Mặt trận cùng cấp cần lưu ý một số nội dung như sau:
1/ Việc xác định tiêu chuẩn của Trưởng thôn:
Trong các văn bản hướng dẫn không đề cập đến trình độ học vấn tối thiểu của Trưởng thôn, trong khi nhận thức và học vấn của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Thôn trưởng trong điều kiện thực tế hiện nay là rất quan trọng, đòi hỏi đội ngũ này phải có trình độ nhận thức và hiểu biết nhất định để có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về giới hạn tuổi đời của Thôn trưởng, UBND tỉnh không quy định rõ ràng (đủ 21 tuổi trở lên; có đủ sức khoẻ). Thực tế hiện nay, nhiệm vụ của thôn trưởng rất lớn, đòi hỏi người làm thôn trưởng phải năng động, miệng nói, tay làm, chân đi thì mới lãnh đạo đưa thôn, tổ dân phố phát triển, nên không thể bầu những người quá lớn tuổi, sức khỏe yếu đảm nhận chức vụ Thôn trưởng trong thời gian đến.
UBND và Uỷ ban Mặt trận cấp xã cần có sự thống nhất để quy định thêm về tiêu chuẩn Trưởng thôn có học vấn tối thiểu hoàn thành chương trình giáo dục THCS hoặc tương đương và quy định Trưởng thôn phải là người đủ 21 tuổi đến không quá 60 tuổi đối với Nam và không quá 55 tuổi đối với Nữ.
2/ Về xác định cử tri tham gia bầu cử Thôn trưởng:
UBND tỉnh quy định chậm nhất 10 ngày trước ngày bầu cử, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành phần cử tri (là toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình) tham gia bầu cử Trưởng thôn. Nên chăng, chúng ta xác định cụ thể: đối với những thôn có dưới 100 hộ dân thì tất cả cử tri trong thôn tham gia bầu cử thôn trưởng; đối với các khu dân cư có trên 100 hộ thì cử tri của từng hộ tham gia bầu cử thôn trưởng.
Về điều kiện, tiêu chuẩn của cử tri tham gia bầu cử Thôn trưởng trong văn bản của UBND tỉnh không đề cập đến, do đó UBND huyện cần có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện một cách thống nhất đồng bộ trong toàn huyện.
3/ Về công tác giới thiệu nhân sự bầu Thôn trưởng:
UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND:
“Chậm nhất 15 ngày trước ngày bầu cử, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ chức hội nghị Ban công tác dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng thôn; báo cáo với Chi uỷ Chi bộ thôn (đối với thôn chưa có chi bộ thì Đảng bộ hoặc Chi bộ cấp xã) để thống nhất danh sách người ra ứng cử (từ 1- 2 người).”
Điều 13. Tổ chức bầu cử Trưởng thôn:
c) Tổ trưởng tổ bầu cử nêu tiêu chuẩn của Trưởng thôn;
d) Đại diện Ban công tác Mặt trận thôn giới thiệu danh sách những người ra ứng cử Trưởng thôn do Ban công tác Mặt trận thôn đề cử và Chi uỷ Chi bộ thôn thống nhất theo quy trình quy định tại khoản 2, Điều 12 của Quy định này. Tại hội nghị này, cử tri có thể tự ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử;
đ) Hội nghị thảo luận, cho ý kiến về những người ứng cử. Trên cơ sở các ý kiến của cử tri, Tổ bầu cử ấn định danh sách những người ứng cử để hội nghị biểu quyết. Việc biểu quyết số lượng và danh sách những người ứng cử được thực hiện bằng hình thức giơ tay và có giá trị khi có trên 50% số cử tri tham dự hội nghị tán thành;
Nếu chỉ dừng lại ở đây, Ban công tác Mặt trận khu dân cư sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ của mình; thực tế hiện nay năng lực và trình độ của phần đông Trưởng Ban công tác Mặt trận còn hạn chế, họ hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm và lòng nhiệt tình nên rất khó thực hiện quy trình chuẩn bị nhân sự.
Đồng thời, nếu thực hiện theo điểm c, d, đ của Điều 13 của Quy định “Về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố” (Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND ngày 26/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum) thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng, đến ngày tổ chức bầu cử mà vẫn không chốt được danh sách chính thức những người ứng cử; rất khó (thậm chí không thể) tiến hành bầu cử bằng cách bỏ phiếu kín vì điều kiện máy móc, thiết bị in, foto ở thôn không có. Còn một khả năng có thể xảy ra nữa là tại thời điểm bầu cử không thể chốt được danh sách chính thức những người ứng cử để tiến hành bầu cử (do số dư quá nhiều hoặc do sự ảnh hưởng của nhóm dân cư trong thôn).
Vì vậy, để việc hiệp thương giới thiệu nhân sự để bầu Thôn trưởng nhiệm kỳ 2012 - 2014, UBND và Uỷ ban Mặt trận cấp xã cần phải quy định chi tiết về công tác hiệp thương giới thiệu nhân sự do Ban công tác Mặt trận chủ trì như sau:
Bước 1: Dự kiến danh sách người ứng cử. Thực hiện chậm nhất 15 ngày trước ngày tổ chức bầu cử.
Trưởng ban công tác Mặt trận báo cáo với Chi ủy, Chi bộ thôn để dự kiến giới người ra ứng cử (từ 1-2 người). Chậm nhất 15 ngày trước ngày bầu cử, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận để dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng thôn.
Bước 2: Tổ chức hội nghị cử tri của thôn để thảo luận tiêu chuẩn và danh sách những người ứng cử. Thực hiện chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức bầu cử.
Thành phần hội nghị gồm:Cử tri của thôn, các thành viên Ban công tác Mặt trận, Chi uỷ Chi bộ, Ban lãnh đạo thôn. Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận đồng chủ toạ hội nghị cử tri.
Nội dung chính của hội nghị:
- Trưởng thôn công bố quyết định của UBND cấp xã về ngày bầu cử và báo cáo công tác nhiệm kỳ qua và tự phê bình trước hội nghị cử tri.
- Trưởng ban công tác Mặt trận đọc tiêu chuẩn Trưởng thôn và giới thiệu danh sách dự kiến người ra ứng cử Trưởng thôn của Ban công tác Mặt trận.
- Hội nghị thảo luận danh sách những người được Ban công tác Mặt trận dự kiến giới thiệu. Cử tri có thể giới thiệu thêm người ứng cử hoặc tự ứng cử.
- Hội nghị chốt danh sách sơ bộ những người ứng cử Thôn trưởng.
- Hội nghị thống nhất hình thức bầu cử Thôn trưởng (bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín).
Bước 3: Tổ chức hội nghị để ấn định và niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử. Thực hiện và niêm yết công khai 7 ngày trước ngày tổ chức bầu cử
Thành phần hội nghị: Trưởng ban công tác Mặt trận triệu tập và chủ trì cuộc họp. Thành phần tham dự bao gồm: đại diện lãnh đạo của Chi bộ Đảng, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi.
Nội dung chính của hội nghị: Thảo luận, ấn định số lượng người ứng cử Trưởng thôn (2 người) và chốt danh sách chính thức những người ứng cử Trưởng thôn.
4/ Về nội dung và thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác bầu Thôn trưởng:
Các văn bản nêu trên chưa đề cập đến nội dung này. Tất nhiên, chúng ta ai cũng mong muốn mọi việc diễn ra thuận lợi, tuy nhiên nếu có đơn thư thì sẽ giải quyết như thế nào? Ai giải quyết? Giải quyết khi nào?... Là những câu hỏi mà chúng ta cần phải lưu tâm. Để giải quyết vấn đề này, theo tôi cần quy định cụ thể như sau:
1) Kể từ ngày công bố và niêm yết danh sách những người ứng cử và danh sách cử tri, công dân có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và việc lập danh sách cử tri với Tổ bầu cử hoặc Ban công tác Mặt trận thôn (đối với trường hợp kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về người ứng cử). Tổ bầu cử và Ban công tác Mặt trận thôn phải ghi vào sổ và giải quyết theo thẩm quyền.
2) Trường hợp người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không đồng ý với kết quả giải quyết của Tổ bầu cử hoặc Ban công tác Mặt trận thôn, thì có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo với UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm giải quyết theo qui định của pháp luật. Quyết định của UBND cấp xã là quyết định có hiệu lực thi hành. Trường hợp đặc biệt, UBND cấp xã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND cấp huyện trước khi quyết định.
3) Trong thời hạn 2 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử, Ban công tác Mặt trận thôn và UBND cấp xã ngưng việc xem xét, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và trong thời hạn 24 giờ trước giờ bỏ phiếu, ngưng việc xem xét, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc lập danh sách cử tri.
4) Trong trường hợp những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân về người ứng cử và về việc lập danh sách cử tri đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn Trưởng thôn và người có tên trong danh sách cử tri không đủ điều kiện bầu cử theo qui định của pháp luật, thì Tổ bầu cử xoá tên trong danh sách những người ứng cử sau khi đã trao đổi thống nhất với Ban công tác Mặt trận thôn hoặc xoá tên trong danh sách cử tri đối với người không đủ điều kiện bầu cử. Tổ bầu cử chỉ được xóa tên trong hai trường hợp trên sau khi đã được UBND cấp xã đồng ý bằng văn bản.
5) Trường hợp đến trước ngày bầu cử mà trong danh sách người ứng cử không còn người nào ứng cử nữa do các nguyên nhân khách quan và chủ quan như: bị xóa tên, bị chết hoặc do các nguyên nhân khác, thì UBND cấp xã chỉ đạo thôn làm lại quy trình ngày từ đầu.
5/ Một số nội dung về nghiệp vụ, kỹ thuật trong bầu cử:
UBND tỉnh không quy định mà chỉ giao cho UBND cấp xã “Quyết định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử, bao gồm các nhiệm vụ cơ bản như sau: Lập và công bố danh sách cử tri hoặc cử tri đại diện chủ hộ tham gia bầu cử, công bố danh sách ứng cử viên, tổ chức Hội nghị bầu cử, kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử, báo cáo kết quả Hội nghị bầu cử và các tài liệu có liên quan cho UBND cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.”
Theo tôi, cần quy định chi tiết những vấn đề này để việc thực hiện ở khu dân cư được thuận lợi. Chẳng hạn quy định như sau:
1) Công tác chuẩn bị hòm phiếu, phiếu bầu:
Tổ bầu cử chuẩn bị hòm phiếu, phiếu bầu có đóng dấu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên những người ứng cử và sắp xếp tên ứng cử viên theo thứ tự A,B,C.
2) Hoạt động bỏ phiếu:
Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ đến mười một sáng. Tùy tình hình địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước sáu giờ hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 15 giờ chiều.
Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.
3) Kiểm phiếu:
Tổ bầu cử tiến hành kiểm phiếu tại nơi bỏ phiếu ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu.
Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và mời hai cử tri không phải là người ứng cử có mặt tại đó chứng kiến việc kiểm phiếu.
Những phiếu sau đây là không hợp lệ:
- Phiếu bầu không phải là phiếu theo mẫu của Tổ bầu cử phát ra.
- Phiếu không có dấu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.
- Phiếu để số người được bầu hơn 1 người.
- Phiếu gạch xoá hết tên những người ứng cử.
- Phiếu ghi tên người ngoài danh sách ứng cử hoặc phiếu có viết thêm.
4) Lập biên bản kiểm phiếu:
Kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử lập biên bản kiểm phiếu, Biên bản kiểm phiếu phải ghi rõ:
- Tổng số cử tri của thôn.
- Số cử tri đã tham gia bỏ phiếu.
- Số phiếu phát ra.
- Số phiếu thu vào.
- Số phiếu hợp lệ.
- Số phiếu không hợp lệ.
- Số phiếu bầu hợp lệ cho mỗi người ứng cử.
Biên bản kiểm phiếu lập thành 03 bản, có chữ ký của các thành viên Tổ bầu cử và 02 cử tri chứng kiến việc kiểm phiếu sau đó gửi ngay đến Chủ tịch UBND, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Tổ trưởng tổ bầu cử giữ 01 bản.
Trong khi chưa có những chỉ đạo, hướng dẫn thật cụ thể của cấp trên liên quan đến công tác bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, đề nghị UBND huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Uỷ ban MTTQ cùng cấp thống nhất chỉ đạo và hướng dẫn chi tiết những vấn đề nêu trên để việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử Trưởng thôn trên địa bàn huyện diện ra thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, để sau bầu cử chúng ta có một đội ngũ Trưởng thôn có đủ uy tín và năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|