Trong những năm qua, công tác phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể huyện Ngọc Hồi quan tâm, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD&ĐT, nên đạt được những kết quả tích cực.
Trung tâm Học tập cộng đồng xã Sa Loong dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ông Kiều Quốc Tường-Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết toàn huyện có 17 dân tộc sinh sống với gần 65 ngàn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 57%. Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 “về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, trường PTDT bán trú, trường PTDT có học sinh ở bán trú và xoá mù chữ (XMC) cho người dân vùng đồng bào DTTS” (viết tắt là Tiểu dự án 5.1), từ năm 2021 đến nay, cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn, trong đó ngành GD&ĐT huyện làm nòng cốt, đã triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với các đoàn thể, trung tâm học tập cộng đồng(TTHTCĐ) các xã, thị trấn và các trường học cùng đi tuyên truyền về công tác XMC cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, phát huy vai trò của các già làng, thôn trưởng, người có uy tín trong việc vận động người mù chữ đến lớp học. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của vấn đề XMC trong tình hình hiện nay, chỉ ra cho người dân thấy được nếu biết chữ thì có thể giao tiếp, tiếp cận được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó nâng cao nhận thức để hiểu biết xã hội, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với các TTHTCĐ các xã mở các lớp XMC giai đoạn 1. Trong đó, Sa Loong tổ chức xong 1 lớp với 38 học viên, Đăk Xú mở 1 lớp với 25 học viên, Đăk Ang mở 1 lớp với 35 học viên, Pờ Y mở 1 lớp với 27 học viên. Tính đến đầu năm 2024, toàn huyện có gần 41,6 ngàn người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi. Trong đó, 40.145 người biết chữ, chiếm 96,51%; có 1.451 người mù chữ, chiếm 3,49%; có 548 người mù chữ mức độ 1, chiếm 1,01%; có 1.451 người mù chữ mức độ 2, chiếm 3,49% tổng số dân trong huyện. Đồng thời, PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt, PCGD tiểu học đạt mức độ 3, PCGD THCS đạt mức độ 2, PCGD XMC đạt mức độ 2…
Tuy nhiên, toàn huyện có 13 trường mầm non và 15 trường phổ thông, nhưng chỉ có Trường PTDT bán trú THCS Ngô Quyền, xã Đăk Ang được huyện hỗ trợ nâng cấp, mở rộng xây mới 7 phòng học và 4 TTHTCĐ các xã: Sa Loong, Đăk Ang, Đăk Xú, Pờ Y được hỗ trợ mở lớp XMC, với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/1 học viên. Đến nay, huyện chưa được phân bổ kinh phí để chi cho công tác điều tra, khảo sát, hỗ trợ thắp sáng ban đêm, mua sổ sách theo dõi quá trình học, mua sách giáo khoa dùng chung theo Nghị quyết số 58/2022/NQ-HĐND, ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh, mà chỉ được chi hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào DTTS tham gia học XMC và không có mức chi hỗ trợ tiền công cho giáo viên đứng lớp để thực hiện công tác XMC cho người dân. Tài liệu dùng để giảng dạy cho giáo viên và tài liệu cho học viên ban hành còn chậm, nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng các lớp học XMC. Người dạy thì ngoài tình nguyện viên, Bộ đội Biên phòng ra, thì chưa vận động được giáo viên, cán bộ công chức, viên chức của huyện tham gia. Việc vận động học viên ra lớp rất khó khăn do hoàn cảnh, điều kiện địa lý, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS.
Vì vậy, công tác điều tra số người mù chữ và vận động người mù chữ đăng ký đi học ở nhiều địa phương đạt kết quả chưa cao. Công tác xã hội hoá trong việc thực hiện XMC chưa đạt hiệu quả. Kinh phí dành cho công tác XMC còn thấp. Ý thức tham gia học tập của học viên còn hạn chế do ngại thay đổi, do bận lao động sản xuất, do tuổi cao nhận thức chậm, khiến việc đi học thiếu chuyên cần và nguy cơ bỏ học luôn hiện hữu.
Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả PCGD và XMC để phù hợp với yêu cầu của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đối số. Nghĩa là, PCGD và XMC hiện nay không đơn thuần chỉ là xóa mù về đọc, viết tiếng Việt phổ thông, mà còn phải cung cấp kiến thức khoa học, xóa mù công nghệ, xóa mù ngoại ngữ…Do đó, ngành GD&ĐT huyện và các địa phương tiếp tục chủ động đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp. Trong đó, triển khai các biện pháp hữu hiệu để huy động học sinh đồng bào DTTS trong độ tuổi đến trường ra lớp đầy đủ. Cụ thể, học sinh mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%, học sinh tiểu học đạt trên 99,92%, học sinh THCS đạt trên 99,7%, học sinh trung học phổ thông đạt trên 55%, đồng bào DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông và viết thạo tiếng phổ thông đạt trên 90%.
Đặc biệt, huyện củng cố vững chắc kết quả XMC và không mù chữ trở lại, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên người DTTS dạy ở các trường phổ thông đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Đồng thời, phấn đấu học sinh người DTTS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp đạt 35% và học sinh người DTTS tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng trở lên trên 28%.
Hy vọng rằng, với những kết quả đạt được, cùng với sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện và các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, trong thời gian tới, công tác PCGD và XMC trên địa bàn huyện, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, sẽ đạt kết quả cao hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn.
calendar_today LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
|
arrow_rightLịch công tác HĐND - UBND huyện |
folder_openTÀI LIỆU HỌP
|
|
|
|
|
|
|