banner
Thứ 3, ngày 23 tháng 4 năm 2024
Mạn đàm nhân Xuân Quý Tỵ
2-1-2013
Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, đó là xu thế chung trong quá trình hội nhập và phát triển, với tốc độ phát triển quá nhanh của công nghệ thông tin, con người được tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, được thừa hưởng những giá trị đạo đức mới và văn minh nhân loại. Song, mỗi quốc gia, dân tộc đều có những giá trị đạo đức truyền thống được hình thành từ quá trình lịch sử, tạo nên bản sắc, cốt cách của con người, của cộng đồng dân tộc.
AnhMinhHoa
Sắc xuân

Ở nước ta, những giá trị văn hóa truyền thống rất đa dạng và phong phú, như Giỗ  Tổ Hùng Vương, nền văn minh Sông Hồng, lòng yêu quê hương đất nước, con Hồng cháu Lạc, văn hóa thờ cúng tổ tiên…là “Hòn đá tảng” để xây dựng xã hội phát triển với các chuẩn mực đạo đức mới.

Trải qua hàng thế kỷ đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nhiều thế hệ đã hy sinh, gia đình ly tán, loạn lạc trước sự tàn khốc của chiến tranh, những nấm mồ không được ngủ yên, những người mất đi không còn nguyên vẹn hình hài, không được chôn cất. Bên cạnh đó là thời kỳ kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc thờ cúng lễ nhìn chung còn rất giản tiện, đôi lúc bị lãng quên.

Ngày nay, điều kiện sống đã thay đổi rất nhiều, từ chỗ chiến tranh tàn khốc đến hòa bình lập lại, từ chỗ đói ăn (năm Ất Dậu 1945, nước ta có hơn 2,5 triệu người chết đói) đến đủ ăn, từ ăn no mặc ấm đến ăn ngon mặc đẹp. Đất nước đã đi lên và sánh vai cùng với các nước trên thế giới, đời sống của mỗi gia đình nhìn chung đã được cải thiện đáng kể, chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, con người có điều kiện hơn để nghĩ về truyền thống, về ông bà, tổ tiên. Gần ba chục năm nay, các đình chùa, nhà thờ được trùng tu xây dựng, các lễ hội được phục hồi và tổ chức quy mô bài bản hơn, việc thờ cúng tổ tiên ông bà đã được thực hiện chu đáo hơn trước. Điều này có thể hiểu như một sự tri ân của thế hệ con cháu đối với bao lớp người đi trước đã chịu bao đau khổ hy sinh cho cuộc sống yên bình, hạnh phúc hôm nay; đồng thời cũng như là nguồn an ủi siêu nhiên để làm dịu đi những mất mát đau thương qua bao cuộc chiến và tiếp thêm sức mạnh để con người vượt qua được những thử thách, khó khăn trong cuộc sống thường ngày tuy đã khấm khá hơn.

Vui xuân

Nhu cầu tâm linh được công nhận là chính đáng, tự do tín ngưỡng được đảm bảo; nhiều gia đình, dòng họ đang có khuynh hướng sum họp lại vào các dịp lễ, tết, giỗ kỵ, tảo mộ, trùng tu nhà thờ họ…Trước là thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ về tiên tổ, nhớ về cội nguồn, bởi “cây có gốc mới nảy cành sanh ngọn, nước có nguồn mới lạch rộng sông sâu”. Trong không gian ấy, con người có dịp để hồi tưởng lại về thời gian đã qua đi, về cuộc sống gia đình, tình làng nghĩa xóm, về cấu kết cộng đồng trong quan hệ cộng đồng làng, về trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng xã hội, và nghĩ về những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống thường ngày luôn bận rộn, bon chen.

Thắp nén hương để dâng lên tổ tiên ông bà sự thành kính, trong khói hương ta nhận thấy sự giao hòa của thiên nhiên vũ trụ, khơi dậy sự hướng thiện trong tâm khảm mỗi con người, giảm bớt đi những tham – sân – si cố hữu, giảm bớt gánh nặng cuộc đời mà tạo hóa đã ban cho.

Sau đó, là nâng cốc chúc nhau sức khỏe thật nhiều, làm ăn gặp nhiều may mắn; qua ly bia, ly rượu tình người được được gần gũi hơn, chan hòa hơn, thật hơn, bởi ông bà ta có câu: phi tửu bất thành lễ. Có thể gọi là Văn hóa bia trong các quan hệ giao tiếp có bia, rượu; chén rượu chúc nhau chân tình làm ấm lòng bao thực khách, bạn hữu. Những chàng trai, cô gái Tây Nguyên nâng chén rượu cần là ấn tượng khó quên trong lòng bao lữ khách thập phương. Và đó là những giá trị văn hóa Việt được hình thành và giữ gìn trong suốt một chặng đường lịch sử dân tộc qua bao biến cố, thăng trầm.

Song, bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tinh hoa thì còn những điều cũng cần có sự suy ngẫm và nhìn nhận đầy đủ hơn dưới góc nhìn văn hóa, đó là, tư tưởng người cúng lễ muốn hối lộ thần thánh. Người ta dâng lễ vật rất tốn kém mong thần thánh phù hộ cho các phi vụ làm ăn được may mắn; thi nhau đốt vàng mã không những quần áo, đồ đạc, bàn, ghế… như trước, mà cả những vật dụng hiện đại như tivi, hon đa, xe hơi, giấy bạc đô la và cả nhà lầu, máy bay nữa ..rất tốn kém. Các chầu nhậu thâu đêm suốt sáng, ly bì, gây giảm sút sức khỏe, tốn kém và rất mất thời gian làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giống nòi.

Thiết nghĩ, để có một mùa xuân thực sự ý nghĩa, thì những chuẩn mực đạo đức truyền thống gia đình, xã hội luôn được giữ gìn và phát triển, đó là những giá trị chân – thiện – mỹ của con người như những đóa hoa xuân khoe sắc, ngát hương, tình người chan chứa yêu thương như cây đời luôn đơm hoa kết trái.

     

LH
Số lượt xem:1319
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 8655 Số người online:
Phát triển:TNC