banner
Thứ 5, ngày 28 tháng 3 năm 2024
Kon Tum xóa nhà tạm cho hộ nghèo
15-8-2012
Hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QÐ-TTg là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
AnhMinhHoa
Khu tái định cư mới ở xã Ðác Sao, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum)

Với tỉnh Kon Tum, Quyết định 167 là điều kiện thuận lợi giúp địa phương ổn định cuộc sống cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong chiến lược được ưu tiên hàng đầu về phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Chung tay giúp hộ nghèo

Tỉnh Kon Tum giao nhiệm vụ thực hiện Quyết định 167 cho Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Sở Xây dựng được giao là cơ quan chủ trì phối hợp với  Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thành phố thực hiện. Trong đó đề cao vai trò Mặt trận các cấp trong việc phối hợp bình xét đối tượng, đôn đốc thực hiện và phối hợp kiểm tra giám sát.

Theo thống kê, tỉnh Kon Tum có tổng số 8.378 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi hộ gia đình được cấp 8,4 triệu đồng, ngoài ra còn được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội mỗi hộ tám triệu đồng để làm nhà theo chủ trương chung là "nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ". Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, một số hộ gia đình chỉ nhận số tiền 8,4 triệu đồng do Chính phủ hỗ trợ mà không vay thêm tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho nên việc triển khai làm nhà theo tiêu chí chung của Nhà nước: nhà có diện tích tối thiểu từ 24 m2 trở lên,  bảo đảm ba cứng "nền cứng, khung cứng, mái cứng", thời gian sử dụng ít nhất 10 năm không thể thực hiện được.

Phó giám đốc  Sở Xây dựng  tỉnh Kon Tum Lưu Xuân Hoài, thành viên Ban Chỉ đạo 167 Kon Tum cho biết: Ðể giải thích cho bà con hiểu rõ về chủ trương của Nhà nước trong việc hỗ trợ nhân dân làm nhà, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận các cấp xuống tận các thôn, làng để giải thích, vận động bà con. Ðặc biệt, có sự hỗ trợ tích cực từ chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội, các huyện đã cử cán bộ xuống tận các thôn, làng hướng dẫn và thực hiện các thủ tục cho bà con vay vốn. Nhờ vậy nên 100% số đối tượng đã mạnh dạn vay vốn làm nhà. Toàn tỉnh đã huy động  170 tỷ 470 triệu đồng để làm nhà cho người nghèo, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 69 tỷ 845 triệu đồng, vốn vay ngân hàng Chính sách xã hội 60 tỷ 549,70 triệu đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp trên địa bàn sáu tỷ 701 triệu đồng.

Nhiều cách làm hay

Trong điều kiện của một tỉnh nghèo, nguồn vốn hỗ trợ làm nhà cho dân chủ yếu chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương và nguồn vốn vay của các hộ gia đình, tỉnh Kon Tum chủ trương tùy theo điều kiện và tình hình thực tế mỗi huyện tự tìm phương thức triển khai làm nhà cho phù hợp. Vì vậy trong quá trình thực hiện, một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo khác nhau và đã đem lại kết quả tốt.

Tại huyện nghèo Kon Plông, UBND huyện giao Phòng Công thương phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thiết kế mẫu nhà gỗ phù hợp với phong tục, tập quán, sinh hoạt của nhân dân, đồng thời phù hợp với mức kinh phí được hỗ trợ, tổ chức giới thiệu để người dân lựa chọn, áp dụng; hướng dẫn nhân dân khai thác gỗ tận thu để làm nhà; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND huyện phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các xã triển khai hỗ trợ nhà cho hộ nghèo theo quy định; đồng thời vận động nhân dân xẻ gỗ, đổi công vận chuyển vật liệu, để kịp thời hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Ðồng thời UBND huyện giao UBND các xã rút kinh phí về cho tạm ứng bước đầu mỗi hộ bốn triệu đồng để nhân dân mua vật liệu làm nhà... Nhờ vậy, mặc dù không có nguồn kinh phí hỗ trợ thêm, nhưng các hộ nghèo ở Kon Plông đều đã làm được một căn nhà diện tích từ 40 đến 50 m2 theo mẫu nhà khung bằng gỗ xẻ, mái lợp ngói, chung quanh ghép ván, sàn nhà bằng ván lát, bảo đảm theo yêu cầu "ba cứng". Huyện Kon Plông đã hoàn thành 1.067 căn nhà (đạt 100% kế hoạch) cho hộ nghèo từ năm 2010, trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Kon Tum hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà cho người nghèo theo Quyết định 167.

Tại huyện Ðác Glây, do từ đầu người dân lo không trả được nợ cho ngân hàng cho nên không dám vay vốn, dẫn đến tiến độ làm nhà của địa phương này có chậm hơn các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, UBND huyện Ðác Glây đã chỉ đạo chính quyền các cấp vận động nhân dân nỗ lực cố gắng, dựa vào sức mạnh cộng đồng, dòng họ để làm nhà. Chính quyền xã giúp nhân dân hợp đồng với các đại lý vật liệu xây dựng giá rẻ hơn, kết hợp nhiều gia đình cùng mua, cùng vận chuyển để giảm chi phí. Một số hộ tận dụng lại khung nhà cũ có chất lượng tốt, chỉ xây tường bao che, cải tạo hoặc làm mới phần mái, nền để giảm giá thành xây dựng, dành tiền còn thừa để mua sắm thêm vật dụng gia đình và dụng cụ sản xuất.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo này, tính đến cuối tháng 6-2012, tỉnh Kon Tum đã xây dựng  8.378 căn nhà cho hộ nghèo "về đích" trước năm tháng so với kế hoạch chung của cả nước.

Bài và ảnh: ÐINH SỸ TẠO (baomoi.com)
Số lượt xem:960
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

1806409 Tổng số người truy cập: 6307 Số người online:
Phát triển:TNC