banner
Thứ 5, ngày 25 tháng 4 năm 2024
An toàn thực phẩm năm 2016 và trước mùa lễ hội - Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017
28-1-2017

Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, năm 2016, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và ban hành các văn bản chỉ đạo đưa lò giết mổ gia súc tập trung đi vào hoạt động; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện; tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc do nấm độc. Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm huyện thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn, đặc biệt là trong các dịp: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm…

 Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện, các ngành liên quan đã phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền về VSATTP bằng nhiều hình thức như treo băng rôn, pano, cấp phát áp phích, tờ rơi, xây dựng các tin bài trên trang thông tin điện tử, trang tin địa phương của huyện, tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh của địa phương, loa xe lưu động của phòng Văn hóa và thông tin, tổ chức tuyên truyền nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại các thôn, làng... Việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai công tác đảm bảo ATVSTP đã tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác đảm bảo ATVSTP của địa phương.

Theo báo cáo của ngành chức năng, trong năm 2016, các ngành liên quan đã phối hợp kiểm tra nhiều đợt tại 279 lượt cơ sở kinh doanh thực phẩm, sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ lễ hội, hiếu hỷ trên địa bàn huyện.Trong đó, có 182 cơ sở đạt và 97 cơ sở vi phạm. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, có 24 cơ sở vi phạm trong tổng số 61 cơ sở được kiểm tra, chiếm 39%, chủ yếu do không sử dụng găng tay trong khi chế biến thực phẩm, sọt rác không có nắp đậy kín, sử dụng phụ gia chế biến thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa, sử dụng giấy khám sức khỏe đã quá thời hạn,  không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc trang thiết bị chế biến chưa được vệ sinh sạch sẽ… Kinh doanh thực phẩm là loại hình có số cơ sở vi phạm nhiều nhất, có 70/165 cơ sở vi phạm, chiếm 43%, chủ yếu ở các lỗi: kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa như bánh, kẹo, sữa, nước ngọt hết hạn sử dụng ghi trên bao bì hàng hóa... Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và xử phạt tổng số tiền hơn 24.000.000 đồng.

Công tác kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y được tăng cường. Ngoài lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, còn theo dõi quản lý 32 hộ gia đình giết mổ động vật và quản lý 52 hộ gia đình buôn bán thực phẩm có nguồn gốc động vật tại thị trấn Plei Kần, Đắk Xú, Đắk Kan. Đoàn kiểm tra đã lấy 29 mẫu rau, củ quả và 01 mẫu chả giò, 02 mẫu thủy sản đưa đi xét nghiệm phân tích thuốc bảo vệ thực vật và Hàn the, Nari benzoat tại một số cơ sở trên địa bàn huyện, qua các kết quả xét nghiệm phân tích không phát hiện dư lượng độc tố có trong sản phẩm (theo thông báo số 94/04/9/2015 của Chi cục Quản lý nông - Lâm thủy sản tỉnh). Ngoài ra, Chi cục QLCL nông lâm thủy sản của tỉnh cũng đã thực hiện lấy 02 mẫu thủy sản; 2 mẫu giò chả; 02 mẫu rau đêm đi xét nghiệm. Kết quả, 02 mẫu sản phẩm động vât thủy sản không phát hiện dư lượng hóa chất cấm, 02 mẫu rau không phát hiện dư lượng thuốc BVTV, tuy nhiên phát hiện một mẫu chả có hàm lượng hàn the 0.02% không đảm bảo VSATTP.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Tỉnh Kon Tum đã kiểm tra và xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất chế phẩm sinh học, vi sinh vật dùng trong thú y, thú y thủy sản trên địa bàn huyện như sau: 02 cơ sở kinh doanh ngũ cốc (gạo) xếp loại A (cơ sở kinh doanh của bà Võ Thị Tuyết - thị trấn PleiKần và ông Trần Quang Minh - thị trấn PleiKần); 01 cơ sở sản xuất giò chả, 01 cơ sở sản xuất nem nướng xếp loại B (cơ sở Phạm Văn Thuận - thị trấn PleiKần và cơ sở Duy Phước 2 - thị trấn PleiKần); 02 cơ sở sản xuất chả giò xếp loại C (cơ sở Phan Thanh Giang - thị trấn PleiKần và cơ sở Phạm Thị Nữ - thị trấn PleiKần); 01 cơ sở sản xuất Cà phê bột xếp loại A (cơ sở chế biến Cà phê bột Ngọc Hồi), 01 cơ sở sản xuất Cà phê bột xếp loại B (cơ sở ông Tài Thuận Phát).

Công tác quản lý bếp ăn tập thể tại các trường học trên địa bàn cũng luôn được các cấp, cá ngành quan tâm chỉ đạo. Các nhà tr­ường đã phối hợp với cơ quan y tế địa ph­ương tổ chức cho cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác nuôi d­ưỡng trong các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú nghiên cứu và triển khai thực hiện đúng những quy định của Nhà nước về VSATTP. Nhờ vậy, trong năm 2016, toàn ngành giáo dục trên địa bàn không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào.

Trong quá trình thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP, nâng cao nhận thức của người dân. Những hoạt động trên nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc thực hiện các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, kiến thức và sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về đảm bảo ATVSTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang đến rất gần, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm tăng cao; việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang được đặt lên hàng đầu. UBND huyện đã khẩn trương triển khai kế hoạch đảm bảo VSATTP dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trong đó xác định công tác thông tin tuyên truyền về ATTP là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phải được thực hiện thường xuyên, rộng khắp từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo ATTP theo tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Phòng Y tế chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực thẩm trên địa  bàn huyện trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2017; Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trạm Thú y huyện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở tự phát, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; UBND các xã, thị trấn kiểm tra giám sát và quản lý tốt thức ăn đường phố, dịch vụ nấu ăn lưu động, các quầy bán rong trước cổng trường học, các lễ hội, hiếu hỷ tại địa phương.

Mong rằng với sự chỉ đạo kiên quyết của UBND huyện, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành địa phương, nhân dân huyện Ngọc Hồi sẽ được đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trong niềm vui an toàn thực phẩm.

Bình Yên
Số lượt xem:655
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 8926 Số người online:
Phát triển:TNC