banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Chương tr̀nh toàn khoá, những điểm mới cần lưu ý theo luật chính quyền địa phương
16-8-2016

Trên cơ sở kế thừa, kế nhiệm và phát huy những kinh nghiệm, thành quả hoạt động của các khóa trước, cơ quan dân cử các địa phương nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục duy trì việc thực hiện những chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân và theo Luật chính quyền địa phương 2015, Hội đồng nhân dân “quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND”. Quyết định vấn đề gì, dựa vào đâu để quyết định; và giám sát những vấn đề gì, giám sát như thế nào? Đó là nội dung công việc mà thường trực Hội đồng nhân dân cần giúp HĐND thực hiện dựa trên cơ sở các chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết của đại hội Đảng. Thông qua tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và từ nguyện vọng chính đáng của cử tri trên địa bàn để Hội đồng nhân dân cụ thể hóa thành chương trình hoạt động toàn khóa của mình.

Chương trình toàn khóa của Hội đồng nhân dân có thể được kết cấu thành 4 phần lớn gồm: Các kỳ họp hội đồng nhân dân; hoạt động của thường trực HĐND; hoạt động của các Ban HĐND; và hoạt động của Tổ đại biểu HĐND.

Thứ nhất, “các kỳ họp hội đồng nhân dân” được xác định theo từng năm cụ thể. Mỗi năm 2 kỳ họp thường kỳ vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Tùy tình hình thực tế, HĐND có thể tổ chức kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường. Kỳ họp thường kỳ HĐND xem xét báo cáo, đề án, tờ trình của Thường trực HĐND-UBND và các ngành trình kỳ họp. Trên cơ sở đó HĐND sẽ quyết nghị về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH đảm bảo an ninh quốc phòng và phê chuẩn các tờ trình của UBND trình kỳ họp. Theo luật định, kỳ họp giữa năm HĐND cấp huyện và xã sẽ quyết toán ngân sách địa phương của năm trước; kỳ họp cuối năm HĐND phân bổ dự toán thu, chi ngân sách huyện cho năm sau; ban hành chương trình giám sát năm sau của HĐND.

Đặc biệt, đầu nhiệm kỳ không cần tổ chức hai kỳ họp sát gần nhau. Theo luật chính quyền địa phương 2015 “Kỳ họp thứ nhất của HĐND khoá mới được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu HĐND”, cũng là khoảng thời gian phải thực hiện nội dung chương trình kỳ họp giữa năm 2016. Vì vậy, sau khi xác nhận tư cách đại biểu và bầu các chức danh theo luật định. Hội đồng nhân dân thực hiện nội dung của kỳ họp thường kỳ (xem xét báo cáo KT-XH và quyết toán ngân sách năm 2015 đối với cấp huyện và xã), HĐND khẩn trương xác định thời gian ban hành chương trình hoạt động toàn khóa, quy chế hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ tại kỳ họp thứ hai cuối năm 2016 nhằm tránh sự lãng phí tiền bạc, công sức một cách không cần thiết.

Thứ hai “Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân”. Theo Luật chính quyền địa phương, cơ cấu thường trực HĐND đã được mở rộng  gồm chủ tịch, hai phó chủ tịch và trưởng các ban Hội đồng nhân dân. Trên cơ sở nội dung các kỳ họp HĐND. Thường trực HĐND chủ động xây dựng kế hoạch, phân công phân nhiệm rõ ràng trong việc triển khai giúp HĐND chuẩn bị nội dung chương trình kỳ họp. Tổ chức giám sát và điều hòa hoạt động giám sát; định kỳ mỗi tháng 2 lần thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; phối hợp với Ban thường trực UBMT tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp; phối hợp với Ban thường trực UBMT đánh giá chất lượng hoạt động của Đại biểu HĐND trong năm; chủ trì hội nghị giao ban theo từng chuyên đề cụ thể với thường trực HĐND các xã, thị trấn để trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND; phối hợp xây dựng và đánh giá tình hình thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND với UBND và Ban Thường trực UBMT; theo thẩm quyền mỗi cấp, Thường trực HĐND phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng làm nhiệm vụ cho đại biểu ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Thứ ba, “Hoạt động của các Ban HĐND”, theo chức năng của từng ban, các Ban xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể theo từng quý, 6 tháng, hàng năm theo quy định của Luật. Thực hiện chức năng giám sát, khảo sát theo sự điều hòa hoạt động của Thường trực HĐND. Thẩm tra tài liệu phục vụ kỳ họp theo phân công của Thường trực HĐND và đúng luật định.

Thứ tư, “Hoạt động của tổ đại biểu HĐND”. Theo luật chính quyền địa phương 2015, tổ đại biểu HĐND sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa bàn tổ đại biểu ứng cử. Vì vậy, sau khi có quyết định thành lập tổ đại biểu Hội đồng nhân dân của Thường trực Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu HĐND xây dựng kế hoạch công tác của tổ. Tổ chức cho đại biểu nghiên cứu pháp luật của Nhà nước; tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp theo quy định; xây dựng chương trình giám sát hằng năm theo sự điều hoà hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân; theo dõi việc thực hiện ý kiến kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử.

Để chương trình toàn khóa của HĐND thực sự hiệu quả, Thường trực Hội đồng nhân dân cần nghiên cứu đầy đủ Luật chính quyền địa phương và các bộ luật khác liên quan (Luật ngân sách, Luật giám sát của Hội đồng nhân dân, Luật đầu tư công…), kế thừa kinh nghiệm hoạt động của các khoá trước, bổ sung những điểm mới quy định tại Luật chính quyền địa phương 2015 để xây dựng chương trình toàn khoá một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác. Tất cả các yếu tố trên đây có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp cho HĐND hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tích cực bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương./.

Phan Thị Kim - Nguyên Phó CT HĐND huyện Ngọc Hồi
Số lượt xem:550
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 1399 Số người online:
Phát triển:TNC