banner
Thứ 5, ngày 28 tháng 3 năm 2024
Ngọc Hồi trên đường đi tới
15-10-2015

1. Nhìn lại chặng đường 24 năm gian khó

Ngày 15/10/1991, Huyện Ngọc Hồi được thành lập theo Quyết định số 316/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) từ các xã Sa Loong, Bờ Y, Đăk Xú của huyện Sa Thầy, xã Đăk Ang của huyện Đăk Tô và xã Dục Nông của huyện Đăk Glei, với diện tích khoảng 84.000ha, dân số khoảng 12.500 người. Khi mới thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức: Là một địa phương còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, sản xuất dựa vào nông nghiệp là chủ yếu, tập quán sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, tình trạng thiếu đói giáp hạt diễn ra thường xuyên; sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp không đáng kể; thương mại, dịch vụ kém phát triển; giao thông đi lại khó khăn. Mặt khác, dân cư Ngọc Hồi chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, sống quần cư tại các thôn, làng riêng biệt. Cơ sở vật chất về y tế, đội ngũ y bác sỹ thiếu, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân rất hạn chế, một số dịch bệnh ở người chưa được kiểm soát. Hệ thống trường lớp thiếu thốn nghiêm trọng, đội ngũ giáo viên không đảm bảo về số lượng và chất lượng, phần lớn người dân mù chữ. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã mới bước đầu hình thành, đội ngũ cán bộ, công chức vừa thiếu lại vừa chưa có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ, sự quản lý, điều hành của chính quyền huyện, Nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đưa huyện Ngọc Hồi phát triển theo đúng định hướng, mở ra con đường sáng, niềm tin về một tương lai tươi đẹp cho một huyện vùng biên.

2. Tự hào những thành quả hôm nay

Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá V, trình Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020:

Lĩnh vực kinh tế: Đến năm 2015, tổng giá trị sản xuất đạt 3.775 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân hàng năm 19,26%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản còn 29,62%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng còn 36,03%, thương mại dịch vụ tăng lên đạt 34,35%; thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua từng năm, hiện nay đạt 28,2 triệu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 9%. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách điều tiết của cấp trên, đến năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 152,35 tỷ đồng. Những ngày đầu thành lập huyện, nhân dân trên địa bàn thiếu đói triền miên, nhưng đến năm 2015, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt lên đến 533,2 tỷ đồng. Nếu như năm 1991, trên địa bàn huyện chỉ có 01 nông trường quốc doanh, thì đến nay, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, toàn huyện có 264 cơ sở sản xuất, gia công, chế biến và 01 cụm công nghiệp làng nghề, với tổng giá trị sản xuất đạt 936,65 tỷ đồng. Thương mại, dịch vụ không ngừng được mở rộng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân, toàn huyện có 1.626 cơ sở kinh doanh thương mại- dịch vụ với tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 2.010 tỷ đồng và hệ thống nhà hàng, khách sạn, ngân hàng được đầu tư, phát triển mạnh.

Mạng lưới giao thông được đầu tư khá đồng bộ, với các tuyến quốc lộ 14, 14c, 40, các tuyến đường đô thị được xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hoá gần như toàn bộ. Đến năm 2015, toàn huyện có 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, trên 90% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thị trấn Plei Kần được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Cửu khẩu quốc tế Bờ Y tiếp tục hoàn thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vốn với quy mô lớn.

Lĩnh vực Văn hoá-Xã hội: Văn hoá, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. So với năm 1991, hầu hết lực lượng lao động của huyện đều chưa qua đào tạo, nên sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên và kinh nghiệm của người nông dân, đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 28% tổng số lao động, tỷ lệ lao động ở khu vực phi nông nghiệp chiếm 33,4%. Hệ thống trường lớp không ngường được mở rộng và chuẩn hoá, đến nay đã có 13/35 trường đạt chuẩn quốc gia, trong khi đó 24 năm về trước, toàn huyện chỉ có 03 trường THCS, 01 trường PT DTNT và 05 trường tiểu học, cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng. Nếu như trước đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện không biết chữ, thì đến nay huyện Ngọc Hồi đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và đang tiến đến phổ cập giáo dục THPT. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Năm 1991, mạng lới y tế huyện Ngọc Hồi còn hạn chế về mọi mặt, sau 24 năm, huyện đã đạt tỷ lệ 10,3 bác sỹ/01 vạn dân, 56,1 giường bệnh/01 vạn dân; đã khống chế và đẩy lùi các loại dịch bệnh nguy hiểm ở người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được khống chế dưới 1,8%. Các thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư, nâng cấp và mở rộng, đáp ứng cơ bản được nhu cầu của xã hội, nhiều nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. An ninh biên giới, an ninh nông thôn và vùng dân tộc thiểu số được đảm bảo ổn định. Trong 24 năm qua, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, vượt biên trái phép. Công tác đối ngoại được thực hiện tốt, duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị với các huyện có chung đường biên giới với Ngọc Hồi đặc biệt là quan hệ hợp tác ngày càng toàn diện với huyện Phu Vông, tỉnh Attapư, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào trên các lĩnh vực bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống tội phạm, phát triển nông lâm nghiệp, văn hoá, giáo dục…

Về xây dựng hệ thống chính trị: Sau 24 năm thành lập, dưới dự lãnh đạo của Huyện uỷ, công tác xây dựng hệ thống chính trị đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ một Đảng bộ chỉ có 10 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với 292 đảng viên vào năm 1991, đến năm 2015, Đảng bộ Ngọc Hồi đã có 60 cơ sở Đảng trực thuộc với hơn 1.700 đảng viên, 100% thôn, làng, tổ dân phố có tổ chức Đảng. Hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp không ngừng được nâng lên. Trình độ mọi mặt và chất lượng công tác của đội ngũ các bộ, công chức trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đổi mới theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và cơ sở để thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có thể khẳng định, sau 24 năm xây dựng và phát triển, huyện Ngọc Hồi, từ một địa phương nghèo với vô vàn những khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự năng động, sáng tạo của chính quyền, sự thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, huyện Ngọc Hồi đã từng bước đi lên và đã khẳng định được vị thế của một vùng động lực kinh tế của tỉnh Kon Tum trong hiện tại và tương lai.

Thị trấn Plei Kan hôm nay 

3. Nhìn về tương lai…

Phát huy những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi đạt được trong 24 năm qua, Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Hồi nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: “Khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng đẩy mạnh dịch vụ - công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, nông thôn. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hoá, xã hội; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; củng cố và phát huy cao nhất sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Xây dựng huyện Ngọc Hồi ổn định và phát triển bền vững”. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện đạt các mục tiêu cụ thể như sau: 

Về kinh tế: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế: Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ đảm bảo tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Đầu tư xây dựng và khai thác tốt trung tâm thương mại và hệ thống các chợ trên địa bàn. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hoá, sinh thái, du lịch cộng đồng… của địa phương. Phối hợp toàn diện với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh để thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó tập trung khai thác hiệu quả Cụm công nghiệp làng nghề Plei Kần. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường, hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hoá bền vững. Nâng cao hiệu quả việc giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng, khoán bảo vệ rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Khuyến khích đầu tư, mở rộng kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách của nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Triển khai đồng bộ các giải phát nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn đi đôi với huy động mạnh mẽ nguồn lực của các thành phần kinh tế và nguồn lực trong nhân dân. Tập trung nguồn lực của trung ương và địa phương để phát triển đô thị Ngọc Hồi để hình thành thị xã vùng biên trong tương lai gần. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Về văn hoá - xã hội: Phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiêên tiến đi đôi với bảo vệ môi trường. Xây dựng văn hoá và con người phát triển toàn diện, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức cách mạng, lòng tự trọng và ý thức tự lực, tự cường, đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, tư duy lạc hậu và các hành vi tiêu cực. Đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và chất lượng hoạt động của hệ thống y tế trên địa bàn; thực hiện đúng và kịp thời các chính sách đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Triển khai thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Về quốc phòng - an ninh: Đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Xây dựng khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo. Phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân tham bảo vệ an ninh tổ quốc. Duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác với các huyện của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia.

Về xây dựng hệ thống chính trị: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội trong giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền nhân dân.

---------

Sau 24 năm hình thành và phát triển, đến nay, huyện Ngọc Hồi đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Kon Tum trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Mặc dù con đường phía trước còn không ít chông gai, nhưng với truyền thống cách mạng, và tinh thấn đoàn kết, nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Hồi luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và sự điều hành của chính quyền các cấp, tình hình kinh tế của huyện sẽ duy trì được mức tăng trưởng khá, văn hoá-xã hội phát triển toàn diện, quốc phòng-an ninh tiếp tục được giữ vững ổn định, hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy hiệu quả trong thực thực hiện nhiệm vụ được giao, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Hy vọng chắc chắn rằng trong tương lai không xa, đô thị Ngọc Hồi sẽ là một đô thị vùng biên hiện đại, xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của mình. 

Hà Đăng Khoa
Số lượt xem:3124
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

1806409 Tổng số người truy cập: 6333 Số người online:
Phát triển:TNC