banner
Thứ 6, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Nhìn lại công tác phòng, chống bạo lực gia đình qua 5 năm triển khai thực hiện
7-8-2013

Ngay sau khi có các văn bản pháp luật về PCBLGĐ của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đưa pháp luật về PCBLGĐ đi vào đời sống.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Trong 5 năm, đã xây dựng được 2 cụm pa nô tuyên truyền, hơn 300 băng rôn với các thông điệp truyền thông về PCBLGĐ và bình đẳng giới, cấp phát hơn 2.000 tờ rơi,  tổ chức 01 Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về PCBLGĐ”, 01 Hội thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong CNVCLĐ” và 50 buổi hội diễn, liên hoan văn nghệ địa phương, ngành; thường xuyên truyền tải nội dung PCBLGĐ trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, loa phát thanh tại các xã, thị trấn và Trang thông tin điện tử huyện với tổng số hơn 30.000 lượt người nghe, xem; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức 04 buổi tuyên truyền miệng về Luật PCBLGĐ tại 03 xã Sa Loong, Đắk xú và Đăk Nông. Ngoài ra, vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực như tọa đàm, gặp mặt, Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu… qua đó, lồng ghép truyền thông về PCBLGĐ và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bên cạnh công tác tuyên truyền của các cơ quan thông tin - truyền thông, các ngành Công an, Tòa án nhân dân huyện đã chú trọng việc phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để tình trạng bạo hành gia đình kéo dài. Ngành Y tế tiếp nhận, chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, phối hợp triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tại 11 thôn, tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Pleikần. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”, tuyên truyền trong các hội viên về PCBLGĐ và xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội; hướng dẫn việc lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội. Phòng Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ của pháp luật về hòa giải mâu thuẫn và hòa giải tranh chấp giữa các thành viên gia đình, góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình xảy ra. Tại các xã, thị trấn, nội dung phòng, chống bạo lực gia đình được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động của Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, Luật PCBLGĐ còn được đưa vào các hương ước, quy ước của thôn, làng, tổ dân phố... Với các việc làm thiết thực đó, đã góp phần hạn chế số vụ bạo lực gia đình xảy ra, thúc đẩy phong trào xây dựng “Gia đình hạnh phúc” “Gia đình văn hóa” phát triển. Đến nay, toàn huyện có 7.126 hộ gia đình văn hóa (đạt 61,18%); xây dựng được 03 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” với hơn 200 thành viên.

Bên cạnh kết quả đạt được, song tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo tổng hợp các thông tin, chỉ số về PCBLGĐ từ các xã, thị trấn, năm 2009 trên địa bàn huyện đã xảy ra 163 vụ bạo lực gia đình, năm 2010 giảm còn 55 vụ, đến năm 2011 là 200 vụ, năm 2012: 270 vụ và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 250 vụ  bạo lực gia đình. Hình thức bạo lực gia đình chủ yếu là bạo lực thân thể (chiếm khoảng trên 60%), còn lại là các hình thức bạo lực khác (tinh thần, tình dục, kinh tế). Người gây bạo lực đa phần là nam giới và nạn nhân bị bạo lực là nữ từ 16 – 59 tuổi. Đi cùng với tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, tình trạng ly hôn cũng có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê từ Ngành Tòa án huyện, năm 2009, Tòa án nhân dân huyện đã thụ lý 24 vụ án hôn nhân và gia đình, năm 2010: 44 vụ, năm 2011: 77 vụ, năm 2012: 94 vụ, 6 tháng đầu năm 2013 là 55 vụ. Như vậy, trung bình mỗi năm, án về hôn nhân và gia đình tăng từ 20 – 30 vụ. Hầu hết các vụ ly hôn đều  liên quan đến bạo lực gia đình.Và nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó, rượu chè, cờ bạc, tệ nạn xã hội, ngoại tình ... được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực. Điều đáng nói là hầu hết khi xảy ra bạo lực gia đình, các nạn nhân không chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng, thậm chí, khi bị thương, phải điều trị tại các cơ sở y tế vẫn không mạnh dạn tố giác hành vi bạo lực của thành viên gia đình gây ra cho bản thân... Do đó, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực gia đình.

Theo báo cáo đánh giá sơ kết  của UBND huyện qua 5 năm triển khai, công tác PCBLGĐ trên địa bàn huyện hiện vẫn gặp một số khó khăn. Bắt đầu từ việc thông kê, báo cáo số liệu về PCBLGĐ ở cơ sở: một số cán bộ làm thống kê, báo cáo về chỉ số PCBLGĐ ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về bạo lực gia đình, từ đó không nhận dạng đầy đủ các hình thức bạo lực gia đình. Việc thu thập thông tin, báo cáo sơ sài và sai sót đã làm ảnh hưởng không ít đến chất lượng báo cáo và tính xác thực của thông tin. Từ đó, việc đánh giá, xử lý tình hình bạo lực gia đình chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Về phía nạn nhân bị bạo lực không chủ động báo cáo sự việc; về phía cán bộ làm công tác hòa giải, mặc dù số lượng cán bộ làm công tác hoà giải ở cơ sở ngày càng được tăng cường (hiện nay trên địa bàn huyện đã có 89 tổ hoà giải), tuy nhiên, họ chưa được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ về nghiệp vụ nên hiệu quả công tác chưa cao.

Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, tồn tại, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, làm chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; đặc biệt, Đài truyền thanh – truyền hình, Trang thông tin điện tử huyện mở chuyên mục, chuyên trang phổ biến các thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác gia đình, đưa các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của công tác gia đình vào kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương; nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ làm công tác dân số, gia đình từ cấp huyện đến cơ sở; củng cố đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác dân số gia đình ở cụm dân cư, đưa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động về công tác dân số, gia đình đến từng hộ dân. Hàng năm, nhân Ngày “Gia đình Việt Nam ", Ngày “Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ”, tổ chức các hoạt động kỷ niệm và lồng ghép tuyên truyền pháp luật về PCBLGĐ; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác PCBLGĐ; tiếp tục duy trì và phối hợp với UBMTTQVN huyện trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở về công tác thống kê, báo cáo, công tác dân số, gia đình, công tác hòa giải… để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PCBLGĐ.

Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khoẻ, tinh thần của nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em – những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, hoạt động phòng chống bạo lực gia đình  là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân để xây dựng những gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hướng đến một xã hội phát triển, văn minh.

NTT
Số lượt xem:5173
Bài viết liên quan:
Trang chủ|Đăng nhập
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGỌC HỒI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản và Bản quyền thuộc về UBND huyện Ngọc Hồi
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện, đường Phạm Văn Đồng - thị trấn Plei Kần - huyện Ngọc Hồi - tỉnh Kon Tum;
Điện thoại: Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện - 02603. 504.577;
Email: ubnd.ngochoi@chinhphu.vn.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1806409 Tổng số người truy cập: 3819 Số người online:
Phát triển:TNC